Không dung nạp thực phẩm (Food Intolerance)

   

Bạn thường gặp phải những biểu hiện, triệu chứng khó chịu như: đau bụng, đầy hơi, chuột rút, ói mửa, ợ nóng, tiêu chảy, nhức đầu, mệt mỏi kinh niên, khó chịu, căng thẳng hay các vấn đề về da …? Đó rất có thể là biểu hiện của chứng không dung nạp thực phẩm. Vậy, bạn đã biết gì về không dung nạp thực phẩm và các loại thực phẩm không dung nạp?

Không dung nạp thực phẩm là gì?

Không dung nạp thực phẩm phản ánh tình trạng bất bình thường trong chức năng chuyển hóa liên đến khả năng tiêu hóa thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng không dung nạp thực phẩm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể thiếu một loại enzyme tiêu hóa đặc trưng. Khi thiếu enzyme này, cơ thể sẽ xây dựng một cơ chế coi những sản phẩm không thể dung nạp đó như một loại sản phẩm độc hại. Chất histamine tự nhiên trong cơ thể ngay lập tức sẽ được tiết ra khi cơ thể tiếp nhận "vật lạ" không thể tiêu hóa và gây ra các triệu chứng đặc trưng.

Các triệu chứng – biểu hiện của không dung nạp thực phẩm

Những người bị không dung nạp thực phẩm thường có các biểu hiện ban đầu chậm hơn (thường là vài tiếng đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm không dung nạp mới có triệu chứng), không liên quan tới hệ miễn dịch và cũng không đe dọa tính mạng như dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  •  Buồn nôn
  •  Đau dạ dày
  • Gas, chuột rút, hoặc đầy hơi
  • Ói mửa
  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Khó chịu hay căng thẳng
  • Mệt mỏi kinh niên
  • Các vấn đề về da

Những biểu hiện của chứng không dung nạp thực phẩm giống như người uống thuốc quá liều. Với một lượng nhỏ thực phẩm thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra nhưng nếu một lượng lớn hơn phản ứng sẽ là phát ban, mẩn đỏ, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và tim đập nhanh và mạnh.

Những loại thực phẩm không dung nạp thường gặp

Bất kỳ một loại thực phẩm nào cũng có thể trở thành thực phẩm không dung nạp. Trong đó, các loại thực phẩm có chứa đường (lactose, fructose, sorbitol), và gluten là những loại thực phẩm không dung nạp thường gặp nhất. Những thực phẩm có chứa bột ngọt (MSG), sulfite hoặc histamin gây ra các triệu chứng không dung nạp thực phẩm ở một số ít người.

Các biện pháp phòng ngừa, chữa trị

Biện pháp phòng ngừa và điều trị không dung nạp thực phẩm hiệu quả nhất là tìm ra loại thực phẩm không dung nạp và loại bỏ nó ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.

Ai có nguy cơ bị chứng không dung nạp thực phẩm?

Trong thực tế, gần như tất cả mọi người đều có một phản ứng khó chịu với thức ăn tại một thời điểm nào đó. Trẻ em, người cao tuổi, những người bị bệnh mãn tính … có nguy cơ không dung nạp được nhiều loại thức ăn nhất.

Một số người không ăn được những thức ăn nhất định trong suốt cả cuộc đời.

Các phản ứng bất lợi từ thực phẩm

Thực phẩm có thể gây ra nhiều bệnh mà đôi khi con người thường không nhận biết và phân biệt được. Các trường hợp sau đây thường bị nhầm lẫn với chứng không dung nạp thực phẩm:

  • Dị ứng thực phẩm: Xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất đạm vô hại có trong thức ăn.
  • Ngộ độc thức ăn: Thường do vi khuẩn trong thức ăn ôi thiu hoặc chưa được nấu chín gây ra.
  • Các tác dụng của thuốc: Một số thành phần có trong thuốc có thể làm cho bạn bị run hoặc bồn chồn.
  • Kích ứng da: Có thể bị gây ra bởi các axit có trong thức ăn như nước cam hay các sản phẩm từ cà chua.

 

BGCC Team

Thành viên
Hỗ trợ trực tuyến
Video