Giữa tuần thứ 18 và 22 của thai kỳ, bạn cần đi siêu âm để bác sĩ đánh giá quá trình phát triển của bé. Lúc này giới tính của bé cũng thể hiện khá rõ ràng.
Mặc dù trong khoảng thời gian này các bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, nhưng bên trong cơ thể vẫn không ngừng diễn ra những thay đổi lớn. Dưới đây là một vài vấn đề bạn có thể gặp phải trong giai đoạn này:
Đau lưng: Trọng lượng tăng lên trong vài tháng qua đã bắt đầu gây áp lực lên lưng, khiến lưng trở nên đau nhức. Để cải thiện tình hình, nên ngồi thẳng và sử dụng ghế có chỗ dựa lưng thoải mái nhất để giảm áp lực cho lưng, đây là cách đơn giản nhưng khá hữu hiệu. Khi ngủ nên kê gối giữa hai chân. Tránh nhấc hoặc mang vác nặng. Mang giày bệt thoải mái. Nếu cơn đau thực sự khiến bạn khó chịu, hãy nhờ chồng mát xa chỗ đau, hoặc sử dụng dịch vụ mát xa bà bầu hiện nay cũng khá phổ biến tại Việt Nam.
Chảy máu nướu răng: Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai bị nhạy cảm và sưng nướu. Việc thay đổi nội tiết tố khiến cơ thể chuyển nhiều máu hơn đến nướu, làm chúng trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị chảy máu. Hiện tượng này thường trở lại bình thường sau khi em bé được sinh ra. Trong lúc này, nên sử dụng bàn chải đánh răng mềm và dùng chỉ nha khoa một cách nhẹ nhàng, không nên hạn chế vệ sinh răng miệng. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai bị bệnh về nướu (bệnh nha chu) có nguy cơ sinh non và sinh trẻ thiếu cân hơn những người phụ nữ không mắc bệnh này.
Ngực to ra: Phần lớn sự căng tức ngực mà bạn trải qua trong ba tháng đầu thai kỳ sẽ giảm đi, tuy nhiên ngực sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi bạn cho bé bú. Lúc này bạn cần mua áo ngực mới có size lớn hơn 1 số (hoặc nhiều hơn) và chọn loại có hỗ trợ tốt để giúp thoải mái hơn.
Ngạt mũi và chảy máu cam: Thay đổi nội tiết khiến cho màng nhầy trong mũi sưng lên, có thể dẫn đến ngạt mũi và khiến bạn ngáy vào ban đêm. Những thay đổi này cũng có thể làm cho mũi dễ bị chảy máu hơn. Trước khi sử dụng thuốc thông mũi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Để an toàn hơn, nên sử dụng nước muối sinh lý và các phương pháp tự nhiên khác để giảm ngạt mũi trong quá trình mang thai. Bạn cũng có thể thử dùng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm cho không khí. Để ngăn chảy máu mũi, giữ đầu ngửa lên (không cúi xuống) và ấn vào lỗ mũi một vài phút cho đến khi dừng chảy máu.
Tiết dịch: Nếu thấy chất nhầy âm đạo mỏng, màu trắng sữa (gọi là khí hư) sớm trong thai kỳ thì đó là điều bình thường. Bạn có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày để cảm thấy thoải mái hơn, nhưng không sử dụng tampon vì có thể đưa vi khuẩn vào trong âm đạo. Nếu dịch tiết có mùi hôi, màu xanh lá cây hoặc vàng, có lẫn máu, hoặc tiết dịch nhiều bất thường, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Đi tiểu thường xuyên: Trong quý thứ hai, đặc điểm tử cung sẽ khiến bạn phải liên tục đi vệ sinh. Việc này sẽ tiếp diễn trong suốt ba tháng cuối của thai kỳ.
Tăng trưởng lông và tóc: Hormone thai kỳ có thể thúc đẩy tăng trưởng lông và tóc - thông thường là ở những nơi bạn không hề muốn. Tóc trên đầu sẽ trở nên dày hơn. Lông cũng có thể xuất hiện ở những nơi trước đây chưa bao giờ có, như khuôn mặt, cánh tay và lưng. Dùng dao cạo và sử dụng các thiết bị tẩy lông không phải là lựa chọn hoàn hảo nhất, nhưng là cách an toàn nhất tại thời điểm hiện tại. Nhiều chuyên gia không khuyến khích loại bỏ bằng laser, waxing, hay thuốc làm rụng lông lúc đang mang thai, bởi vì vẫn chưa chứng minh được những phương pháp này an toàn tuyệt đối đối với bé.
Ợ nóng và táo bón: Do cơ thể của bạn tăng cường sản xuất hormone progesterone. Hormone này làm giãn một số cơ trong thực quản vốn có vai trò đẩy thực phẩm và axit xuống dạ dày, và một số cơ giúp di chuyển thức ăn đã tiêu hóa qua đường ruột. Để làm giảm chứng ợ nóng, hãy thử chia bữa ăn thành các bữa nhỏ trong ngày và tránh những thức ăn có dầu mỡ, cay, và có tính axit (chẳng hạn như trái cây họ cam quýt). Để tránh táo bón nên ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước hơn. Hoạt động thể chất cũng sẽ giúp ích trong trường hợp này.
Bệnh trĩ: Bệnh trĩ thực ra là do giãn tĩnh mạch - tĩnh mạch màu xanh hoặc màu tím sưng lên xung quanh hậu môn. Những tĩnh mạch này có thể to ra trong khi mang thai vì máu dồn xuống và áp lực từ tử cung đè lên vì kích thước của chúng ngày càng tăng. Suy tĩnh mạch có thể gây ngứa và khó chịu. Để làm giảm triệu chứng này, hãy thử ngồi ngâm mình trong nước ấm. Nếu cần thiết hãy hỏi bác sĩ của bạn liệu bạn có thể sử dụng thuốc bôi over-the-counter hemorrhoid hay không.
Thai máy: Khoảng giữa thai kỳ (20 tuần), bạn sẽ có thể bắt đầu cảm thấy những rung động tinh tế đầu tiên về cử động của em bé, mà thường được gọi là "thai máy". Nếu bạn không cảm thấy được cử động này, đừng quá lo lắng. Một số thai phụ cũng không cảm nhận được thai máy cho đến tháng thứ 6 của thai kỳ.
Thay đổi da: Phụ nữ mang thai thường trông như thể họ đang "phát sáng" vì mức độ thay đổi nội tiết tố làm cho khuôn mặt trở nên hồng hào. Sự gia tăng sắc tố melanin cũng có thể dẫn đến những vết nâu trên mặt và một vạch đậm giữa bụng (linea nigra). Tất cả những thay đổi ở da sẽ mờ dần sau khi em bé được sinh ra. Khi mang thai, làn da của bạn cũng nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì vậy hãy bôi kem chống nắng phổ rộng (bảo vệ khỏi UVA / UVB) có SPF ít nhất là 30 bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài. Hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 -14 giờ hàng ngày, mặc quần áo dài tay, quần dài, đội mũ rộng vành, và đeo kính mát. Bạn cũng có thể nhận thấy những đường màu đỏ-tím mỏng trên bụng, ngực hoặc đùi. Đó là những vết rạn da nổi lên vì da phải giãn ra khi bụng phát triển. Mặc dù nhiều loại kem và lotion quảng cáo rằng có thể ngăn chặn hoặc loại bỏ vết rạn da nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy chúng thực sự có hiệu quả. Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm để giúp làm mềm da và giảm ngứa. Hầu hết các vết rạn da sẽ tự mờ dần sau khi bạn sinh.
Giãn tĩnh mạch hình mạng nhện: Để cung cấp máu cho sự phát triển của bé, cơ thể bạn sẽ tăng cường lưu thông máu. Do đó sẽ có hiện tượng: Lưu lượng máu dư thừa làm cho các tĩnh mạch nhỏ màu đỏ nổi lên, được gọi là giãn tĩnh mạch mạng nhện và xuất hiện trên da. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi em bé được sinh ra. Áp lực từ quá trình phát triển của em bé lên chân bạn cũng có thể khiến sự lưu thông máu đến cơ thể bạn chậm hơn, khiến tĩnh mạch ở chân trở nên sưng và trở thành màu xanh hoặc tím. Đây được gọi là giãn tĩnh mạch. Mặc dù không có cách nào để tránh giãn tĩnh mạch, bạn có thể giúp chúng không trở nên tệ hơn bằng cách đứng dậy và di chuyển thường xuyên và gác chân lên một chiếc ghế bất cứ khi nào bạn phải ngồi thời gian dài. Suy tĩnh mạch sẽ được cải thiện trong vòng ba tháng sau khi bạn sinh em bé.
Tăng cân: Ốm nghén thường giảm khả năng ăn uống của bạn vào giai đoạn cuối của quý I. Sau đó, sự thèm ăn của bạn sẽ trở lại bình thường và còn có chiều hướng tăng lên. Nhu cầu năng lượng của bà mẹ mang thai khoảng 2.550 Kcal, cao hơn nhu cầu bình thường là 350 Kcal. Bạn không cần ăn quá nhiều mà ăn đầy đủ chất dinh dưỡng theo điều kiện kinh tế của mình. Trong giai đoạn quý II này, bạn tăng 4-5 cân là hợp lý nhất.
Triệu chứng đáng lo: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong những triệu chứng sau thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy có điều không ổn đối với thai kỳ. Đừng chờ đợi đến lần khám tiếp theo mà hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn:
• Đau bụng nghiêm trọng hoặc bị chuột rút.
• Chảy máu.
• Chóng mặt nghiêm trọng
• Tăng cân nhanh chóng (hơn 3 kg mỗi tháng), hoặc tăng cân quá ít (ít hơn 3 kg sau 20 tuần mang thai)
Vu thu (Theo webmd)
Để biết thêm thông tin về xét nghiệm trước sinh tốt nhất cho bé ở giai đoạn này, tìm hiểu tại đây.